GIẢM TẢI CHI PHÍ CHO DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ

    Số lượng doanh nghiệp mới ngày càng nhiều phần nào cho thấy kinh tế Việt Nam đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, khi đi vào vận hành, các doanh nghiệp phải chịu nhiều khoản chi phí, từ đó, ít nhiều ảnh hưởng đến nội lực tài chính. Việc giải quyết bài toán chi phí cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh chính là câu chuyện không chỉ riêng của các cơ quan nhà nước mà còn của các tổ chức tài chính.

    Bức tranh các khoản phí của doanh nghiệp

    Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong năm 2018, cả nước có 131,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,5% so với năm 2017. Mới đây nhất, ngày 28/02, Tổng cục Thống kê tiếp tục công bố số liệu cho biết trong hai tháng đầu năm 2019, cả nước có thêm gần 16 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Như vậy, theo xu hướng phát triển của nền kinh tế toàn cầu thì từ năm 2018 đến nay, nền kinh tế Việt Nam diễn biến khá sôi động khi có hàng nghìn doanh nghiệp thành lập, tham gia vào quá trình vận hành kinh tế.

    Là một mắc xích của nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp đều có một nguồn lực tài chính nhất định để duy trì hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp mới thành lập nói riêng hàng năm đều chịu nhiều khoản chi phí để vận hành, từ các khoản lãi vay, chi phí vận tải, chi phí thủ tục hành chính, chi phí nhân sự..., cho đến các khoản phí dịch vụ tại ngân hàng như phí chuyển tiền, chi lương, phí thu hộ (thu ngân sách nhà nước, thuế hải quan...), phí mở và duy trì thẻ tín dụng doanh nghiệp, phí SMS Banking…



    Anh Lê Văn Tình – Giám đốc công ty TVC HD cho biết: “Một doanh nghiệp trước khi hoạt động có lợi nhuận phải đưa dòng vốn vào đầu tư máy móc, thiết bị, cơ sở hạ tầng và chịu rất nhiều các khoản chi phí về vận hành. Có những khoản phí rất nhỏ, nhưng với số lượng và tần suất lớn sẽ tạo nên một khoản chi phí đáng kể. Chẳng hạn, khi giao dịch ngân hàng, mỗi lần chuyển tiền, doanh nghiệp của tôi phải chịu 3.000VNĐ phí dịch vụ. Tính ra, chỉ riêng về phí sử dụng dịch vụ có tháng lên đến gần 20 triệu. Đó là một khoản phí không hề nhỏ với một doanh nghiệp”.

    Đồng hành cùng doanh nghiệp

    Bên cạnh những chủ trương và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của cơ quan nhà nước thì các tổ chức tài chính đã và đang có những chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, như ưu đãi lãi vay, ưu đãi lãi suất tín dụng xanh, ưu đãi cho doanh nghiệp chi lương qua ngân hàng hay miễn phí một số loại giao dịch ngân hàng.

    Mới đây, hướng đến việc đồng hành phát triển doanh nghiệp, chương trình “Giao dịch miễn phí cùng Nam A Bank” được nhà băng này triển khai như một giải pháp nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác vận hành. Cụ thể, Nam A Bank sẽ miễn hầu hết các khoản phí dịch vụ online và tại quầy như dịch vụ chuyển khoản, dịch vụ ngân quỹ, dịch vụ quản lý tiền mặt, dịch vụ ebanking... trong thời gian 6 tháng. Mỗi doanh nghiệp được hưởng ưu đãi lên đến 20 triệu đồng.

    Đồng thời, những doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chi lương qua tài khoản Nam A Bank cũng được hưởng hàng loạt ưu đãi nổi bật như miễn phí chi lương, miễn phí quản lý tài khoản, miễn phí đăng ký và phí sử dụng gói Combo, miễn phí sử dụng dịch vụ thu hộ qua eBanking như thu ngân sách Nhà nước, tiền điện, nước, được ưu đãi lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi, lãi suất thẻ tín dụng…



    Ông Hoàng Việt Cường – Giám đốc Khối Kinh doanh Nam A Bank cho biết: “Bản thân các tổ chức tài chính cũng là một doanh nghiệp. Vì thế, chúng tôi hiểu được những khoản phí “không tên” mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay phải chịu. Do đó, với nhiều chính sách ưu đãi về lãi vay, phí giao dịch, chúng tôi mong muốn kết nối, đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp. Điều này góp phần giúp doanh nghiệp giảm nỗi lo về chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn.”

    Ngoài những ưu đãi trên, nhà băng này còn thực hiện chương trình tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp bổ sung vốn cho các mục đích đầu tư, kinh doanh, mua sắm trang thiết bị, miễn là không gây tác động tiêu cực tới môi trường.

    Nhìn rộng ra, có thể thấy áp lực từ những khoản phí ít nhiều ảnh hưởng đến năng lực tài chính của các doanh nghiệp Việt, từ đó, khó có khả năng cạnh tranh trong môi trường kinh tế ngày càng biến động và toàn cầu hóa như hiện nay. Vì thế, những chính sách từ nhà nước cùng sự đồng hành từ các tổ chức tài chính là những công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp các doanh nghiệp Việt có thể đứng vững trong sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế hiện nay.