Tài chính xanh đóng vai trò là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực cho phát triển nền kinh tế xanh, hướng tới sự phát triển bền vững.
"Tài chính xanh và tài chính xã hội phải được quan tâm, khích lệ nhằm đảm bảo rằng sự phục hồi của châu Á - Thái Bình Dương sau đại dịch Covid-19 mang tính bao trùm, kiên trì và bền vững". Đây là thông điệp của Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2021 được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 28/4.
Cách đây vài năm, khái niệm tài chính xanh còn khá mới mẻ với nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, với bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm hàng đầu hiện nay, Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề này. Đây được xem là giải pháp quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tài chính xanh là tăng cường mức độ dòng chảy tài chính (ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ khu vực nhà nước, tư nhân và phi lợi nhuận sang các ưu tiên phát triển bền vững. Ngoài ra, tài chính xanh còn được định nghĩa là những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường một cách có ý nghĩa (theo Chowdhury và cộng sự, 2013). Nhìn chung, tài chính xanh liên quan đến việc thu hút các thị trường vốn truyền thống trong việc tạo ra, phân phối các sản phẩm và dịch vụ tài chính mang lại cả lợi nhuận có thể đầu tư và các kết quả tích cực về môi trường.
Tiêu chí xanh trong phát triển xã hội, chính trị và kinh tế ngày càng được quan tâm. Ảnh: Paul Noble
Kinh nghiệm phát triển hệ thống tài chính xanh trên thế giới được chia thành hai nhóm chính. Một là, nhóm phát triển hệ thống tài chính xanh lấy Chính phủ, định chế tài chính lớn làm trọng tâm. Hai là, nhóm phát triển hệ thống tài chính xanh lấy tổ chức tài chính vi mô làm trọng tâm.
Tại Việt Nam, về khung pháp lý, Chính phủ đã có chiến lược phát triển thị trường tài chính xanh và một số Nghị định triển khai, Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước cũng có một số Thông tư khuyến khích. Theo đó, Chiến lược tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tập trụng vào 3 nhiệm vụ gồm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hoá sản xuất; Xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Các chuyên gia cho rằng, phát triển tài chính xanh ở Việt Nam là hướng đi đúng đắn trong chiến dịch tăng trưởng xanh. Song, lộ trình này còn nhiều thách thức. Đơn cử như nhận thức về tài chính xanh còn hạn chế; chính sách, luật pháp còn thiếu hoặc chưa hỗ trợ hiệu quả việc phát triển tài chính xanh. Bên cạnh đó, các sản phẩm tài chính xanh trong ngân hàng tại Việt Nam còn thiếu phong phú; chưa có tính sẵn sàng; nguồn tài chính hỗ trợ cho các dự án xanh, sản phẩm xanh còn eo hẹp. Do đó, việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về tài chính xanh trong phát triển bền vững, đồng thời xác định những cơ hội và thách thức trong quá trình áp dụng tại Việt Nam là điều cần thiết. Khi nhận thức của người dân được nâng cao, nhu cầu sử dụng các sản phẩm, công nghệ xanh cũng phát triển.
Tài chính xanh và tài chính xã hội đã gia tăng nhanh chóng những năm gần đây, đặc biệt ở khu vực tư nhân. Doanh nghiệp ngày càng hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Hơn 30 nghìn tỷ USD, tương đương 1/3 tài sản toàn cầu hiện nay đang được quản lý cùng với những cân nhắc về môi trường, xã hội và quản trị. Doanh nghiệp sử dụng tài chính xanh và tài chính xã hội để phòng ngừa các rủi ro đe dọa tính bền vững, thu hút các nhà đầu tư và xây dựng năng lực chống chịu kiên cường hơn trước các cú sốc khủng hoảng.
|
Các ngân hàng tích cực đẩy mạnh tín dụng xanh. Ảnh: Environmental Finance
|
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Mục tiêu đối với ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 là 100% ngân hàng xây dựng được bộ quy tắc về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Ngoài ra, ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị, bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.
Thời gian qua, Nam A Bank tích cực tham gia vào lĩnh vực tài chính xanh. Hai năm liên tiếp 2019-2020, nhà băng này được vinh danh Ngân hàng tiêu biểu về Tín dụng xanh. Nam A Bank cũng là một trong những đối tác đầu tiên của Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) tại Việt Nam đồng thời là đối tác thành công nhất của GCPF tại khu vực châu Á Thái Bình Dương trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng xanh và áp dụng hệ thống quản lý rủi ro môi truờng và xã hội vào các hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Từ tháng 12/2018, Nam A Bank đã ban hành quy định về việc cấp tín dụng xanh song song đó là xây dựng khung chiến lược và lộ trình phát triển ngân hành xanh. Tháng 3/2020, nhà băng này ban hành quy định về hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Dự kiến thời gian tới, hầu hết các quy trình sản phảm dịch vụ ngân hàng sẽ tuân thủ nguyên tắc xanh. Trong chính sách cho vay tổng thể của Nam A Bank, việc xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội không chỉ áp dụng cho lĩnh vực tín dụng xanh mà còn hướng đến một ngân hàng hoạt động thân thiện và trách nhiệm với môi trường, xã hội.
Để giúp độc giả hiểu hơn về tình hình tài chính xanh tại Việt Nam, những thách thức và giải pháp vốn cho doanh nghiệp, VnExpress phối hợp cùng Ngân hàng TMCP Nam Á tổ chức tọa đàm "Tài chính xanh - Giải pháp vốn cho doanh nghiệp vì môi trường". Chương trình phát sóng lúc 9h ngày 9/12 trên VnExpress.
Độc giả quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây.
Huyền Anh