Chuẩn bị nguồn lực để tận dụng hiệu quả nguồn dữ liệu dồi dào

     
    (ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) với Báo Đầu tư Chứng khoán.

    Có một điều thú vị, bên ngoài thì nghĩ “ngân hàng có rất nhiều dữ liệu”, còn ngân hàng nghĩ “bên ngoài có rất nhiều dữ liệu” và thực tế là mỗi bên có một nửa. Ông có cho rằng, cần thiết có sự kết nối thông minh để việc khai thác các tiềm năng của dữ liệu sẽ mang lại những giá trị lớn đối với quá trình chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng Việt?

    Đây là một câu hỏi khá thú vị bởi sự khác nhau giữa 2 luồng ý kiến “ngân hàng có rất nhiều dữ liệu” và “bên ngoài có rất nhiều dữ liệu” xuất phát từ góc nhìn khác nhau của đôi bên, một bên là các ngân hàng và bên còn lại là bên ngoài nói chung.

    Về cơ bản, ngân hàng có rất nhiều dữ liệu về khách hàng do đã và đang tổng hợp số liệu qua nhiều năm như giao dịch khách hàng, sản phẩm, dịch vụ..., điều mà bên ngoài không có được. Việc này giúp ngân hàng biết rõ mình đang có những dữ liệu gì và dĩ nhiên chúng ta chỉ biết mình thiếu gì khi hiểu rõ mình đang có gì. Đó chính là lý do các ngân hàng nói rằng “bên ngoài có rất nhiều dữ liệu” để hoàn chỉnh chân dung khách hàng tại ngân hàng.

    Về luồng ý kiến còn lại, có thể bên ngoài chỉ quan tâm đến một số loại dữ liệu cụ thể của ngân hàng, chứ không phải tất cả. Có thể bên ngoài cũng có rất nhiều dữ liệu của riêng họ và chưa có nhu cầu trao đổi hay chia sẻ với ngân hàng, thế nhưng lại thiếu sự tổng hợp, phác thảo nhu cầu dịch vụ của khách hàng, đặc biệt là nhu cầu tài chính.

    Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, hành vi tiêu dùng của người dân sau đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch kênh mua sắm từ truyền thống sang online. Thời gian diễn ra đại dịch chính là “ngọn đuốc mồi” cho xu hướng mua sắm này ngày càng bùng lên mạnh hơn.

    "Lõi của dữ liệu" chính là khách hàng...

    Trong xu hướng phát triển mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử, việc khai thác nguồn dữ liệu từ đối tác thứ ba sẽ là một “sân chơi” lớn cho các ngân hàng. Khả năng tận dụng dữ liệu từ nguồn này sẽ giúp ngân hàng đánh giá được hành vi tiêu dùng, mua sắm của khách hàng như đặc điểm mua sắm của từng độ tuổi, giới tính, xu hướng mua sắm trong từng dịp lễ, tết trong năm... Từ đó, ngân hàng có thể cung cấp thêm dịch vụ phù hợp hoặc thiết kế sản phẩm chuyên biệt dành cho một nhóm khách hàng cụ thể.

    Qua đó, các ngân hàng thấy được rằng, bên ngoài thị trường đang tồn tại nhiều dữ liệu có giá trị. Đặc biệt, các dữ liệu này rất sát với hành vi của người dân. Do vậy, các ngân hàng nhìn thấy được đang còn nhiều dữ liệu quý giá và chúng tôi đã, đang chuẩn bị nguồn lực cho mình từng ngày, từng giờ để có thể tận dụng hiệu quả nguồn dữ liệu dồi dào này.

    Tôi đồng tình rằng, sự kết nối thông minh và tận dụng dữ liệu có thể mang lại giá trị lớn trong quá trình chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng Việt. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đây không còn là câu hỏi “có nên hay không?”, mà chúng ta phải hỏi rằng “giải pháp nào hiệu quả nhất để quản lý dữ liệu khi có sự kết nối này?”. Điều đó có thể giúp ngân hàng tối ưu hóa hoạt động, cải thiện trải nghiệm khách hàng, đảm bảo an ninh thông tin và thậm chí phát triển các dịch vụ mới dựa trên dữ liệu về thị trường cạnh tranh như xu hướng, hành vi, nhu cầu của khách hàng...

    Quan trọng nhất, để thực hiện sự kết nối này, ngân hàng cần thiết lập các giải pháp thông minh. Trong bối cảnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) đóng vai trò quan trọng. Với sự trợ giúp của các thuật toán học máy, ngân hàng có thể phân tích và dự đoán hành vi của khách hàng dựa trên dữ liệu lịch sử. Điều này không chỉ giúp họ cung cấp các sản phẩm - dịch vụ tốt hơn, mà còn giúp tối ưu hóa chiến lược tiếp thị và tăng cường trải nghiệm của khách hàng.

    Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Vì vậy, bên cạnh việc khai thác dữ liệu, các bên cần đặc biệt lưu ý phải làm sao bảo vệ được dữ liệu người dùng và khai thác đúng theo quy định.

    Nam A Bank là ngân hàng tiên phong ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo vào giao dịch

    Dữ liệu được ví như “trái tim” của chuyển đổi số, nên để đảm bảo an toàn thì cần cất trái tim này ở đâu?

    Trên thế giới và ở Việt Nam, tài chính số đang ở trong giai đoạn phát triển bùng nổ với đa dạng loại hình dịch vụ. Tài chính số đem lại sự cải thiện sự ổn định của hệ thống tài chính, mang lại lợi ích cho người sử dụng các dịch vụ/các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, chính phủ và nền kinh tế nói chung. Tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ tài chính, đặc biệt với các đối tượng có thu nhập thấp, góp phần quan trọng thực hiện tài chính toàn diện.

    Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số được thực hiện dựa trên dữ liệu. Chính vì vậy, dữ liệu được coi là “trái tim” của chuyển đổi số. Tuy nhiên, trái tim thông thường nằm tại một vị trí cố định trong cơ thể, trong khi dữ liệu của ngân hàng sẽ được lưu trữ phân tán. Điều này có nghĩa là dữ liệu sẽ không tập trung ở một điểm duy nhất, mà sẽ phân phối trên nhiều máy chủ và kho lưu trữ khác nhau, đảm bảo tính an toàn cho dữ liệu.

    Giống như việc trái tim được bảo vệ bởi lồng ngực, dữ liệu của ngân hàng cũng cần được bảo mật và an ninh một cách chặt chẽ. Điều này đảm bảo rằng, chỉ những người có quyền truy cập mới có thể tiếp cận dữ liệu. Các biện pháp bảo mật như mã hóa và kiểm soát truy cập đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tính riêng tư và bảo mật của dữ liệu quan trọng này.

    Ngoài ra, các ngân hàng phải trang bị cho mình “cơ thể cường tráng” bằng hoạt động quản trị dữ liệu thông qua các hoạt động:

    - Triển khai việc quản trị dữ liệu theo đúng nhu cầu, đòi hỏi thực tế tại ngân hàng bao gồm thiết lập cấu trúc quản trị, xây dựng các chính sách, quy trình; vận hành và thực thi các chính sách; kiểm soát hiệu quả của quản trị dữ liệu.

    - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiến tiến nhất trong quản trị dữ liệu.

    Không chỉ là xác định “trái tim” nằm ở đâu, các ngân hàng còn phải quan tâm đến việc “trái tim” thuộc về ai. Ngày nay, “dữ liệu” không thuộc chiếm hữu của riêng ai, “lõi của dữ liệu” chính là khách hàng - là thói quen - là nhu cầu của khách hàng, nên “trái tim” thuộc về nơi đáp ứng trọn vẹn yêu cầu, nhu cầu của khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt nhất. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng cần phải xây dựng được nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng, vai trò cũng như các yêu cầu trong dài hạn của quản trị dữ liệu đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên để có được một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, có trách nhiệm bảo vệ tài sản quan trọng của tổ chức.

    Tiếp tục chọn lối đi riêng trong chuyển đổi số nhằm tạo sự khác biệt, Nam A Bank là ngân hàng Việt đầu tiên triển khai giải pháp Oracle Exadata Cloud at Customer. Ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn của “người tiên phong” trong vấn đề này?

    Ở Việt Nam, xu hướng ứng dụng điện toán đám mây (cloud computing) đang ngày một phổ biến tại các doanh nghiệp nói chung, khối ngân hàng và tổ chức tín dụng nói riêng. Chúng ta không đặt vấn đề làm hay không, mà là làm như thế nào. Nam A Bank đã sớm xác định đầu tư trọng điểm vào điện toán đám mây nhằm chuyển đổi số mạnh mẽ, cung cấp các dịch vụ tài chính khác biệt cho khách hàng, cũng như giúp Ngân hàng tiết kiệm chi phí hoạt động.

    Đội ngũ nhân sự Nam A Bank đã phân tích và đưa ra các yêu cầu rất cụ thể về hiệu suất, an toàn bảo mật, đảm bảo tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước và tiêu chuẩn từ các cơ quan quản lý, trong đó chúng tôi luôn học hỏi các dự án (case study) đã triển khai trong ngành ngân hàng. Điều đặc biệt luôn được chúng tôi nhấn mạnh là giải pháp đó phải phù hợp, khả thi và triển khai nhanh chóng với thực tế hệ thống Nam A Bank.

    Ngày nay, “dữ liệu” không thuộc chiếm hữu của riêng ai, “lõi của dữ liệu” chính là khách hàng - là thói quen - là nhu cầu của khách hàng, nên “trái tim” thuộc về nơi đáp ứng trọn vẹn yêu cầu, nhu cầu của khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt nhất.

    Để đảm bảo hạ tầng điện toán đám mây theo công nghệ tiên tiến nhất, phù hợp nhất với điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin tại Việt Nam, đảm bảo khả năng giám sát khai thác dữ liệu cũng như tối ưu hóa hiệu suất đầu tư và thời gian triển khai, Nam A Bank lựa chọn giải pháp điện toán đám mây theo mô hình thuê bao. Tuy nhiên, những hệ thống quan trọng vẫn đặt tại trung tâm dữ liệu của Ngân hàng để đảm an toàn, bảo mật thông tin. Do vậy, giải pháp máy chủ cơ sở dữ liệu ExaCC là giải pháp phù hợp nhất được Nam A Bank tiên phong áp dụng.

    Giải pháp này sẽ hỗ trợ Nam A Bank tiếp tục hiện đại hóa nền tảng cơ sở dữ liệu Oracle theo định hướng điện toán đám mây, giúp Ngân hàng nhanh chóng đi đầu trong số hóa sản phẩm, dịch vụ một cách liên tục, đa kênh, đa không gian giao dịch cho khách hàng. Đồng thời, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin hoạt động an toàn, ổn định, liên tục và xuyên suốt, hạn chế các rủi ro ảnh hưởng đến dữ liệu của Ngân hàng cũng như đảm bảo tuân thủ về an toàn hoạt động ngân hàng.

    Việc chọn con đường hiện đại hóa nền tảng cơ sở dữ liệu Oracle theo định hướng điện toán đám mây cũng giúp Nam A Bank duy trì và tăng cường sự hiệu quả của hệ thống giám sát khai thác dữ liệu vốn đã được xây dựng, nâng cấp liên tục trong một thời gian dài trước đó. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh các yêu cầu về bảo vệ dữ liệu ngày càng được khách hàng và các cơ quan quản lý coi trọng.

    Nói như vậy để thấy rằng, chính sự thôi thúc, chuẩn bị bên trong đã đưa chúng tôi đến các quyết định nhanh chóng khi triển khai các giải pháp, đôi khi là giải pháp cực kỳ mới trên thị trường. Từ đó, chuyển sang câu hỏi về sự thuận lợi và khó khăn.

    Khó khăn là tất yếu, bởi chúng tôi làm đầu tiên, các bài học kinh nghiệm chưa có sẵn để học hỏi nên hiển nhiên việc triển khai sẽ gặp nhiều vấn đề mới cần giải quyết, lĩnh vực nào cũng như vậy.

    Song, chúng tôi không lo lắng về việc đó, bởi chúng tôi đang làm với sự chuẩn bị chu đáo. Như đã nói, chúng tôi phân tích và chọn được giải pháp phù hợp nhất với thực tế của mình, riêng việc đó đã là sự thuận lợi rất lớn. Ngoài ra, các đối tác cung cấp và hỗ trợ triển khai giải pháp cũng là các tên tuổi lớn và uy tín trong ngành, đã có sự hợp tác trong khoảng thời gian dài, gặp nhau là triển khai công việc được ngay.

    Bên cạnh đó còn phải đề cập đến việc chuẩn bị đội ngũ nhân sự, chúng tôi đã chuẩn bị trong một thời gian khá dài cho đội ngũ triển khai và vận hành. Kiến thức, kinh nghiệm và cả thói quen của họ cũng đã được chuẩn bị để sẵn sàng làm quen, tiếp nhận và vận hành nền tảng mới. Đến thời điểm này, các giải pháp đang được triển khai đúng tiến độ và chúng tôi hoàn toàn không có vướng mắc gì về vấn đề nhân sự cho dự án này.

    Trong hành trình, người đi đầu luôn chịu nhiều áp lực khi phải tìm kiếm công nghệ phù hợp để thay thế các hệ thống và quy trình cũ. Trong khi đó, vẫn cần phải tính toán đầu tư vào công nghệ và chiến lược phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu có thể thay đổi theo thời gian. Theo ông, giải pháp nào cho vấn đề này?

    Đây là một bài toán khó, bởi có nhiều cách giải nhưng phải chọn cách phù hợp, chứ không phải cứ đầu tư giải pháp tiến bộ nhất và nhiều kinh phí nhất là phù hợp.

    Tiêu chí chọn giải pháp của Nam A Bank là tương thích với hệ thống của Ngân hàng, thích ứng với thói quen và trải nghiệm của người dùng sao cho họ không phải thay đổi quá nhiều thói quen khi sử dụng giải pháp mới và cảm nhận sự thay đổi này là tiện ích hỗ trợ đắc lực cho mình trong đời sống cũng như trong kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.

    Vì vậy, chiến lược đầu tư công nghệ của chúng tôi là cẩn trọng theo từng giai đoạn, tích hợp các giải pháp phù hợp nhất và cân đối về tài chính, nhưng vẫn đảm bảo “tiên phong” trong hiện tại và tương lai; đồng thời, luôn theo dõi và đánh giá hiệu quả của các giải pháp công nghệ đã triển khai để có phương án điều chỉnh và cải tiến phù hợp, dựa vào 3 yếu tố quan trọng gồm vận hành tối ưu trên tất cả các kênh; nâng cao trải nghiệm người dùng liền mạch, xuyên suốt; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là dịch vụ - sản phẩm số.